Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Tôi Có Một Ước Mơ



Martin Luther King, Jr.
LGT. Bài diễn văn “Tôi Có Một Ước Mơ” có lẽ là bài diễn văn hay nhất, hùng biện nhất của Mục sư Martin Luther King, Jr. Không những thế, bài diễn văn này vào năm 1999 còn được 137 học giả về nghệ thuật hùng biện xếp hạng nhất  trong 100 bài diễn văn hay nhất của Mỹ trong thế kỷ 20.Trong cuộc biểu tình lịch sử đòi hỏi dân quyền và sự bình đẳng của người da đen tại Mỹ, trên bậc thềm của Đài Tưởng niệm Tổng thống Lincoln, King đã diễn đạt ước mơ của mình trước một cử tọa gần 250 ngàn người vào ngày 28 tháng Tám năm 1963. Cuộc biểu tình vĩ đại này đã diễn ra trong trật tự và hòa bình và không có bất kỳ một sự xô xát nào giữa lực lượng cảnh sát và những người biểu tình. Thành phần tham dự biểu tình không phải chỉ có những người da đen mà đã có gần 63 ngàn người da trắng cùng tham dự trong cuộc biểu tình quy tụ gần 1/4 triệu người.
Ngày sinh của MLK, 15 tháng Giêng, đã được Hoa Kỳ chính thức chọn làm ngày lễ của toàn quốc khi tổng thống Reagan ký đạo luật ban hành vào năm 1983. Đạo luật này chỉ được Quốc hội Mỹ thông qua sau khi có sự vận động và thỉnh nguyện thư gồm có chữ ký của sáu triệu cử tri.
***
Tôi rất sung sướng có mặt cùng anh em hôm nay trong một ngày lịch sử, một ngày đánh dấu cuộc biểu tình đòi tự do vĩ đại nhất trong lịch sử của đất nước chúng ta.
Một trăm năm trước đây,[1] một vĩ nhân Hoa kỳ, mà chúng ta đang đứng dưới bóng biểu tượng của người, đã ký Bản Tuyên Cáo Giải phóng Nô lệ. Bản tuyên cáo vĩ đại này đã trở thành ngọn hải đăng hy vọng cho hàng triệu người nô lệ Da đen, những người đã bị héo khô mòn mỏi dưới ngọn lửa của bất công. Bản tuyên cáo đến như ánh bình minh rạng rỡ chấm dứt cho họ đêm đen của tù ngục.
Nhưng một trăm năm sau, người Da đen vẫn chưa được tự do. Một trăm năm sau, người Da đen vẫn còn đang bị những cái cùm của sự phân chủng và xiềng xích của sự kỳ thị làm cho tàn tật. Một trăm năm sau, người Da đen vẫn còn đang phải sống trên một hòn đảo nghèo đói cô đơn giữa một đại dương bát ngát của vật chất phồn vinh. Một trăm năm sau người Da đen vẫn còn phải chờ đợi mỏi mòn trong những góc khuất của xã hội Mỹ và thấy đang bị lưu đầy ngay trên chính quê hương mình. Và như vậy, chúng ta đã đến đây hôm nay để phô bày tình trạng đáng xấu hổ này trước công luận.
Có thể nói ngày hôm nay chúng ta đến thủ đô là để lãnh một tấm chi phiếu, để đòi nợ. Khi những kiến trúc sư của nền cộng hòa của chúng ta viết những dòng chữ uy nghi trong bản Hiến pháp và Tuyên ngôn Độc lập, họ đã ký một giấy nợ với tất cả những con dân của nước Mỹ. Giấy nợ này hứa hẹn rằng tất cả mọi người dân Mỹ, đúng vậy, tất cả, da đen cũng như da trắng, sẽ được bảo đảm những quyền “bất khả xâm phạm;” đó là “Quyền Sống, Quyền Hưởng Tự Do, và Quyền Mưu cầu Hạnh phúc.” Thế nhưng, ngày nay, nước Mỹ đã bội ước trên món nợ này, ít ra là đối với những công dân gốc da màu. Thay vì tôn trọng bổn phận thiêng liêng này, nước Mỹ đã ký cho những người da đen một tấm chi phiếu vô giá trị, một tấm chi phiếu bị hoàn trả vì “không đủ tiền bảo chứng.”
Nhưng chúng ta không tin rằng ngân hàng của công lý đã bị khánh tận. Chúng ta không tin rằng cái kho cơ hội vĩ đại của đất nước này lại không có đủ tiền bảo chứng. Và vì thế, chúng ta đã đến đây để lãnh tấm chi phiếu này; tấm chi phiếu đem lại, theo đòi hỏi của chúng ta, sự giàu có của tự do và an ninh của công lý.
Chúng ta cũng đến nơi thiêng liêng này để nhắc cho nước Mỹ biết về tình trạng khẩn cấp như lửa cháy của Lúc Này. Lúc Này không phải là lúc để tham dự vào sự xa xỉ của những phiên họp nhằm “giảm nhiệt” hay uống những viên thuốc an thần của chính sách tiệm tiến. Bây giờ là lúc để biến thành hiện thực những hứa hẹn của dân chủ. Bây giờ là lúc phải vượt khỏi bóng tối và khổ đau của thung lũng phân chủng để vươn tới con đường trải đầy ánh sáng của công bằng chủng tộc. Bây giờ là lúc phải nâng đất nước chúng ta lên khỏi vũng lầy của sự bất công chủng tộc và đặt lên trên nền đá tảng của tình huynh đệ. Bây giờ là lúc biến công lý trở thành hiện thực cho mọi con dân của Thượng Đế.
Nếu không quan tâm tới tính chất khẩn cấp của thời điểm này, đất nước của chúng ta sẽ phạm một lỗi lầm chí tử. Mùa hè oi ả của sự bất mãn chính đáng của người Da Đen sẽ không tự trôi qua cho đến khi mùa thu đầy sinh lực của tự do và bình đẳng đến. Năm 1963 không phải là cứu cánh, mà chỉ là điểm khởi đầu. Và những kẻ nào hy vọng rằng người Da Đen sẽ hài lòng sau khi để cho họ “xả hơi bất mãn” thì họ sẽ phải đối diện với một sự thật phũ phàng, nếu đất nước này vẫn tiếp tục hành xử như cũ. Sẽ không có sự yên tĩnh và thanh bình trên nước Mỹ cho tới khi người Da Đen có được quyền công dân chính đáng của mình. Cơn lốc của cách mạng sẽ tiếp tục lay tận gốc đất nước của chúng ta cho đến khi ánh sáng xán lạn của công lý hiện ra.
Nhưng có điều tôi cũng muốn trình bày với anh em của tôi, những người đang đứng trước ngưỡng cửa ấm áp dẫn vào cung điện của thần công lý: Trong tiến trình đòi hỏi chỗ đứng đúng đắn của mình, chúng ta không thể để bị buộc tội vì những hành vi sai trái. Hãy đừng dùng chén của thù hận và cay đắng để thỏa mãn cơn khát của mình. Chúng ta phải mãi mãi tiến hành cuộc đấu tranh của mình ở trên tầng cao của nhân phẩm và kỷ luật. Chúng ta không được phép để cho những sự phản đối đầy sáng tạo của ta thoái hóa thành sự bạo động bằng vũ lực. Ta phải luôn luôn nhớ là phải vượt lên đến trình độ vương giả là sử dụng sức mạnh của tinh thần để đối phó với bạo lực của thể chất.
Phe chủ chiến vừa mới nổi lên đây đã bao trùm cả cộng đồng người Da Đen, nhưng ta đừng để chủ trương bạo lực này khiến ta mất niềm tin vào tất cả những người da trắng, vì rất nhiều những người anh em da trắng của chúng ta, mà sự hiện diện của họ với chúng ta ngày hôm nay đã chứng minh là họ nhận thức được định mệnh của họ và của chúng ta dính liền với nhau. Và họ đã tới để xác nhận một sự thực là sự tự do của họ và tự do của chúng ta là một mối dây không thể gỡ riêng ra được. 
Chúng ta không thể bước đi đơn độc.
Khi bước đi, ta phải tự hứa rằng sẽ luôn luôn bước về phía trước.
Chúng ta không thể quay đầu trở lại.
Nhiều người đã hỏi những người đấu tranh cho dân quyền câu này: “Chừng nào mấy người mới thỏa mãn hả?” Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi nào người Da Đen còn là nạn nhân của những sự bạo hành khủng khiếp không thể tưởng tượng được của cảnh sát. Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi nào mà thể xác của chúng tôi, bị mỏi mệt vì đi đường xa, mà không thể vào nghỉ tại quán trọ trên đường đi hay tại khách sạn trong thành phố. Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi sự di chuyển cơ bản của người Da Đen là từ một khu ổ chuột nhỏ sang một khu ổ chuột lớn hơn. Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi con em của chúng tôi bị tước đoạt ý thức về cái-tôi của chúng và bị cướp đi nhân phẩm bởi những tấm bảng đề: “Chỉ dành cho người Da Trắng.” Chúng tôi sẽ không bao giờ thỏa mãn khi nào còn người Da Đen ở Mississippi không được đi bầu, và còn người Da Đen ở New York nghĩ là y chẳng có gì để mà lựa chọn cả. Không. Không. Chúng tôi không thỏa mãn, và sẽ
không thỏa mãn cho đến khi “sự chánh trực chảy xuống như nước, và công bình như sông lớn cuồn cuộn.”[2]
Tôi biết có những anh em đến đây sau bao nhiêu thử thách và hoạn nạn. Một số vừa mới ra khỏi những phòng giam chật hẹp. Và một số đến từ những vùng mà sự tìm kiếm tự do đã khiến cho thân thể anh em bị bầm dập bởi những cơn bão của bách hại và lao đao vì những cơn gió của cảnh sát tàn bạo. Các anh em đã là cựu chiến binh của những khổ đau đầy sáng tạo. Hãy tiếp tục công cuộc đấu tranh với đức tin là những sự đau khổ dưng không xảy đến cho mình, những đau khổ đó chính là ơn cứu chuộc. Hãy về lại Mississippi, về lại Alabama, về lại South Carolina, về lại Georgia, về lại Louisiana, về lại những khu ổ chuột và khu biệt cư của người Da Đen tại những thành phố miền bắc, và hãy tin rằng bằng cách này hay bằng cách khác, chúng ta có khả năng để thay đổi và tình trạng này sẽ được thay đổi.
Tôi xin nói với anh em ngày hôm nay, đừng tự đắm mình trong thung lũng của tuyệt vọng.
Và ngay cả khi chúng ta đang đối diện với những khó khăn ngày hôm nay và của ngày mai, tôi vẫn có một ước mơ. Một ước mơ bắt nguồn sâu xa từ trong ước mơ của nước Mỹ.
Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày đất nước này sẽ trỗi dậy và sống đúng với ý nghĩa của tín điều đã được tuyên xưng: “Chúng tôi công nhận những điều này là chân lý hiển nhiên, đó là mọi người sinh ra đều bình đẳng.”
Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con cái của những người cựu nô lệ và của cựu chủ nhân sẽ có thể ngồi xuống với nhau bên chiếc bàn của tình huynh đệ.
Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày, ngay cả tiểu bang Mississippi, một tiểu bang mà sự bất công đang bốc hơi nồng nực, đang ngột ngạt dưới cái nóng của đàn áp, sẽ được hóa thân thành một ốc đảo của tự do và công lý.
Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày bốn đứa con nhỏ của tôi được sống trong một quốc gia mà chúng không bị đánh giá bởi màu da bên ngoài mà bằng tư cách ở bên trong.
Tôi có một ước mơ ngày hôm nay!
Tôi có một ước mơ là sẽ có một ngày tại Alabama—với những kẻ kỳ thị chủng tộc ác ôn, với viên thống đốc mà miệng lưỡi còn dính những chữ “trung gian” và “vô hiệu hóa”—một ngày mà trẻ con da đen và da trắng có thể nắm tay nhau thân ái trong tình huynh đệ.
Tôi có một ước mơ ngày hôm nay!
Tôi có một ước mơ là sẽ có ngày mọi thung lũng được nâng cao và mọi núi đồi sẽ bị hạ thấp, những chốn gồ ghề sẽ được lấp bằng và mọi nẻo cong sẽ được uốn thẳng; “và sự vinh quang của Thượng Đế sẽ được hiển lộ cho tất cả nhân loại.”[3]
Đó là hy vọng của chúng ta và đó là đức tin tôi sẽ mang theo khi về lại miền Nam.
Với đức tin này, chúng ta sẽ có thể đẽo ra từ ngọn núi tuyệt vọng một viên đá của hy vọng. Với đức tin này, chúng ta sẽ có thể biến cải những tiếng nói bất hòa và chát chúa thành một bản hợp xướng của tình Huynh đệ. Với đức tin này, chúng ta có thể cùng nhau làm việc, cùng nhau cầu nguyện, cùng nhau tranh đấu, cùng nhau chịu tù đày, cùng nhau chiến đấu cho tự do, và biết rằng, sẽ có một ngày, chúng ta được tự do.
Và ngày ấy sẽ đến—đó sẽ là ngày mà tất cả những người con của Thượng Đế sẽ có thể cất cao lời hát với ý nghĩa mới:
Tôi hát ngợi ca quê hương này của tôi và của anh, đất ngọt của tự do.
Vùng đất tổ tiên đã hy sinh, và đất của người Hành hương quang vinh,
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên  từ khắp núi đồi quê hương.
Và nếu Hoa Kỳ muốn trở thành một quốc gia vĩ đại, thì điều này phải thành sự thực.
Và hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ những ngọn đồi kỳ vĩ của New Hampshire.
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ những rặng núi đồ sộ của New York.
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ rặng Allegheny của Pennsylvania.
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ đỉnh cao tuyết phủ của dãy Trường Sơn Colorado.
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ những sườn đồi óng ả của xứ California.
Nhưng không phải chỉ có thế:
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ ngọn Thạch Sơn của Georgia.
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ ngọn Vọng Sơn của Tennessee.
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ mọi ngọn đồi và đụn cát xứ Mississippi.
Hãy để tiếng chuông tự do vang lên từ khắp núi đồi quê hương.
Và khi tiếng chuông tự do vang lên, khi chúng ta để cho tiếng chuông tự do vang lên từ mọi làng thôn, từ mọi tiểu bang và phố thị, ta sẽ có thể tiến đến cái ngày ấy mau hơn, cái ngày mà mọi con dân của Thượng Đế, da trắng và da đen, người Do Thái và dân Ngoại giáo, tín đồ Tin Lành và Công giáo, sẽ cùng nắm tay nhau và hát lên những câu hát của bản thánh ca cổ của người Da Đen:
Cuối cùng đã có tự do! Cuối cùng đã có tự do!
Tạ ơn Chúa Toàn năng, cuối cùng chúng ta đã có tự do![4]
© Học Viện Công Dân 2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét